Cứ vào ngày Tết Đoan Ngọ (Mùng năm tháng năm âm lịch), hay còn gọi là Tết Diệt Sâu Bọ là chúng ta lại dâng lên ít nhiều cảm xúc. Cảm xúc vì mới đó mà đã “Nửa năm”, không biết ta đã làm được gì trong nửa năm qua. Hay vui vì đây là một phong tục đẹp của người Việt, trong nhà, ngoài chợ đều nô nức nhộn nhịp…
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ
*…Trong ngày Lễ Tết này theo truyền thống của dân tộc Việt, tại các làng xã có lễ thần tại đình, đền; ở thôn, xóm có cúng tại miếu. Gia đình thì làm lễ cúng tổ tiên và Thổ công. Lễ vật cúng là rượu nếp, trái cây.
Ở nhà thì chúng ta thường thắp hương trên ban thờ Tổ tiên gồm hoa quả, bánh tro (bánh gio), rượu nếp – đặc sản của văn minh lúa nước.
Cũng chính vì điều đó, ông cha ta gọi ngày này là ngày giết sâu bọ bởi tiết Hạ Chí chính là tiết để gieo hạt vụ mùa hè thu.
Vậy có bao giờ ta tự hỏi, Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc của Việt Nam hay cũng ảnh hưởng bởi Trung Quốc như những ngày lễ Tết khác trong năm: Tết Nguyên Đán, Nguyên Tiêu, Trung Thu,…Thực ra theo nhiều tài liệu lịch sử nghiên cứu thì Tết Đoan Ngọ có ở nhiều nước Châu Á và đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam của chúng ta. Ca dao của người Việt có câu: Tháng Năm ngày tết Đoan Dương/ Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.
Ngày giỗ Mẹ Việt Thường tức Quốc Mẫu Âu Cơ là một ngày vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của mỗi người dân Việt. Do vậy, ngoài ngày giỗ Quốc Tổ mùng 10 tháng 3 thì ngày giỗ Quốc Mẫu cũng vô cùng quan trọng.
Ý nghĩa quan trọng của ngày tết Đoan Ngọ hoàn toàn khác xa với ý nghĩa về tết này của người Trung hoa với tích về ông Khuất Nguyên nước Sở cuối thời chiến quốc. Hầu hết các học giả thời đó cho rằng nguồn gốc của lễ tiết này là sự tưởng niệm thi hào nổi tiếng của nước Sở là ông Khuất Nguyên, thế nhưng các sử gia Trung Quốc lúc bấy giờ không hề đưa ra được những tư liệu cụ thể để chứng minh cho “sự liên quan” này….*
Ký ức Tết Đoan Ngọ trong tôi.
Riêng với tôi thì ngày mùng năm tháng năm thì luôn ngập tràn những hoài niệm. Tết Đoan Ngọ năm nào, má tôi cũng làm một rỗ to cơm rượu để ăn trong gia đình và biếu những người thân thuộc. Nhớ hồi nhỏ, mỗi lần đi học hè ở nhà Thầy Biểu về, là tôi lại múc cả tô cơm rượu để ăn cho thỏa thích. Đã thế, lúc nào tôi cũng phải “ăn dặm thêm” cơ man nào là chôm chôm, bánh ú lá tro chấm đường, cùng bao món khác.
Tôi nhớ có ai đó còn “xúi dại”, trong ngày mùng năm tháng năm, lúc mười hai giờ trưa, khi mặt trời đứng bóng, thì ra ngoài ngước mặt nhìn thẳng lên mặt trời cho…sáng mắt, báo hại tôi nhìn xong và cận thị đến bây giờ. Những lúc như thế tôi luôn thầm ước ao giá như ngày nào cũng là Tết Đoan Ngọ hay Đoan Dương thì hay biết mấy.
Theo tuần hoàn của thời gian, năm nào cũng có ngày Tết Đoan Ngọ, nhưng càng lớn tuổi thì tết Đoan Ngọ càng chồng chất những lo toan về thời cuộc và cơm áo. Nhưng những kỷ niệm đẹp đẽ của những cái tết Đoan Ngọ của thời thơ ấu được quây quần bên mâm cơm gia đình, được dâng hương lên bàn thờ Tổ Tiên luôn được lưu trong tâm khảm.
Giờ đây trên bước đường mưu sinh, phía trước luôn là những trăn trở xen lẫn nhọc nhằn, nhưng năm nào cũng vậy, Tết Đoan Ngọ luôn mãi đẹp và ngập tràn ý nghĩa như thuở nào.
ThS. Huỳnh Thanh Nguyên
(Giảng viên Khoa Nghệ thuật Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật & Du lịch Sài Gòn)
Công ty Truyền thông Siêu Sao