Triển lãm “Họa duyên tương ngộ”: Hồi hương di sản nghệ thuật của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên

Ngày:

(ChinhPhu.vn) – Kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923-1993), Phạm Lê Collection cùng gia đình cố họa sõ và bảo tàng nghệ thuật Quang San đồng tổ chức Triển lãm di sản nghệ thuật Họa duyên tương ngộ: Trần Phúc Duyên. Chương trình mở cửa đón công chúng yêu nghệ thuật đến thưởng lãm từ ngày 22/7 đến 6/8/2023 tại số 189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Quận 2, TP. Thủ Đức, TPHCM.

Cố họa sĩ Trần Phúc Duyên bên tranh sơn mài Phong Cảnh Sài Sơn - Ảnh: VGP
Cố họa sĩ Trần Phúc Duyên bên tranh sơn mài Phong Cảnh Sài Sơn – Ảnh: VGP

Họa duyên tương ngộ trưng bày hơn 100 tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của danh họa Trần Phúc Duyên kể từ khi ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 16 (1942-1945), mở xưởng tại Hà Nội (1948-1954), cho đến khi ông di cư sang Pháp (1954-1968), Thụy Sĩ (1968-1993), và mất tại đó. Xuyên suốt sự nghiệp, Trần Phúc Duyên đã có hơn 20 trưng bày lớn nhỏ ở cả Việt Nam và châu Âu, nhưng đây là triển lãm có quy mô phổ quát của cố họa sỹ với hầu hết các tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng trong nước, với đủ loại chất liệu: sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo…

Bức sơn mài Làng ven sông (năm 1952) của Họa sỹ Trần Phúc Duyên do sưu tập Nguyễn Quỳnh Lâm cung cấp. Ảnh: VGP/Phạm Lê
Bức sơn mài Làng ven sông (năm 1952) của Họa sỹ Trần Phúc Duyên do sưu tập Nguyễn Quỳnh Lâm cung cấp. Ảnh: VGP/Phạm Lê

Không gian triển lãm gồm 2 tầng với tổng diện tích khoảng 600 m2, giới thiệu các tác phẩm theo từng cụm chủ đề lớn, đi từ phức hình đến tối giản: Đời sống, Phong cảnh, Tĩnh vật và Tiểu cảnh, Thủy mặc và Thiền Họa, Trừu tượng, và Phúc niệm.

Chia sẻ về việc hồi hương toàn bộ di sản giá trị này của họa sĩ Trần Phúc Duyên, hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh cho biết, sau khi họa sõ Trần Phúc Duyên qua đời năm 1993, toàn bộ tác phẩm, tài liệu của ông được đóng thùng và lưu tại một nhà kho ở ngoại ô thủ đô Bern, Thụy Sĩ. Trong 20 năm, di sản này bị ngủ quên, cho tới năm 2018 được hai nhà sưu tập tình cờ phát hiện.

Nhìn thấy những bức tranh sơn màu một nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam miêu tả phong cảnh làng quê, văn hóa của người Việt ở nước ngoài, với tình yêu quê hương, yêu văn hóa Việt, yêu nghệ hội họa, hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh đã dành nhiều công sức để lần tìm thêm những thông tin về họa sĩ Trần Phúc Duyên cũng như các tác phẩm của ông.

Hai nhà sưu tập Lê Quang Vinh và Phạm Quốc Đạt - Ảnh: VGP/Phạm Lê
Hai nhà sưu tập Lê Quang Vinh và Phạm Quốc Đạt – Ảnh: VGP/Phạm Lê

“Chúng tôi tin rằng những người yêu nghệ thuật và cái đẹp ở Việt Nam sẽ chào đón ông, để tâm hồn ông sau bao năm xa quê lưu lạc sẽ được bay lượn trên những cánh đồng lúa trĩu bông vùng Hà Tây-xứ Đoài, ngắm nhìn Vịnh Hạ Long nơi ông và các bạn đồng lứa năm xưa cùng nhau đi thực tế lấy mẫu sáng tác, đắm mình dưới những đêm trăng tĩnh mịch, và hơn tất cả, để ông trở về với đất mẹ yêu thương”, hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh bày tỏ.

Chia sẻ khá nhiều tư liệu riêng tư và quý giá của Trần Phúc Duyên tại Triển lãm, cháu gái của cố họa sĩ – bà Trần Tường Vân xúc động: “Tôi rất vui được quay trở lại Việt Nam và tham dự triển lãm “Họa Duyên Tương Ngộ” nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chú tôi – họa sĩ Trần Phúc Duyên. Sự kiện cũng đánh dấu sự trở về của ông sau cả cuộc đời sống tại châu Âu. Đây cũng là cơ hội giới thiệu tới công chúng và những người yêu nghệ thuật Việt Nam về những sáng tác của ông tại châu Âu”.

Đi kèm với triển lãm, cuốn sách giới thiệu cuộc đời và tác phẩm của Trần Phúc Duyên cũng sẽ được ra mắt trong năm 2023, dưới sự bảo trợ của Phạm Lê Collection và các bài viết đóng góp từ các nhà nghiên cứu nghệ thuật trong và ngoài nước. Phạm Lê Collection cũng đang xây dựng nền tảng lưu trữ Trần Phúc Duyên với mong muốn thiết lập được danh mục đầy đủ các tác phẩm của ông.

HỌA SỸ TRẦN PHÚC DUYÊN TRONG DÒNG CHẢY MỸ THUẬT VIỆT NAM

Thuộc thế hệ sau cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và cùng là họa sĩ Đông Dương sống và làm việc tại châu Âu (gồm: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Thứ, Lê Thị Lựu, Phạm Thúc Chương, Võ Lăng, Phạm Tăng…), nhưng chỉ duy nhất Trần Phúc Duyên chọn sử dụng sơn mài như một chất liệu chủ đạo và xuyên suốt cho các sáng tác hội họa của mình.

Ông cũng tự nhận là một “artiste laqueur” (họa sĩ sơn mài) từ những năm đầu 1950, khi còn ở Hà Nội. Ông ghi danh hiệu đó đằng sau các bức tranh sơn mài của mình. Và trên thực tế cũng như về căn bản, ông đã tiếp tục và kết thúc sự nghiệp nghệ thuật của mình ở vai trò đó.

Di cư sang châu Âu, bất chấp khoảng cách địa lý, thiếu thốn về tài nguyên, Trần Phúc Duyên dành trọn đời mình cho công cuộc nghiên cứu, thử nghiệm và sáng tạo với sơn mài, và thành công trong việc đưa sơn mài đi từ mỹ nghệ tới mỹ thuật.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt nhận định “Trần Phúc Duyên sử dụng sơn điêu luyện, thanh thản như một họa sĩ, nhà thư pháp Trung Hoa sử dụng mực”. Có thể nói, đưa thủy mặc vào trong sơn mài, hội họa Trần Phúc Duyên dường như đã đi thêm một bước đáng kể từ phần cốt sang phần hồn, từ thể xác sang nội tâm, từ tả thực sang tượng trưng gợi mở.

Minh Thi

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Nguồn https://tphcm.chinhphu.vn/trien-lam-hoa-duyen-tuong-ngo-hoi-huong-di-san-nghe-thuat-cua-co-hoa-sy-tran-phuc-duyen-101230715130034284.htm

 

CHIA SẺ NGAY:

Tin Mới

Có Thể Bạn Quan Tâm
Nhiều Người Xem