Phần hát “Quốc ca” trong trận Việt Nam – Lào tại AFF Cup bị đánh bản quyền, sự việc này đang gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Phần hát “Quốc ca” mở đầu trận đấu Việt Nam – Lào tại giải AFF Cup diễn ra tối qua 6/12 gây xôn xao vì khán giả theo dõi trên kênh YouTube không nghe được bài “Quốc ca”. Màn hình trận đấu hiện dòng thông báo: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong khán giả thông cảm”.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam mà khán giả xem tường thuật trận đấu này trên các nền tảng xã hội không được xem phần các cầu thủ hát Quốc ca vì lý do bản quyền.
Sự việc này khiến khán giả nảy ra tranh cãi. Nhiều khán giả còn thậm chí còn bày tỏ sự bức xúc vì sự việc này. Khán giả có nickname Trần Trung Hiếu bày tỏ sự khó chịu, anh cho rằng việc “Quốc ca” bị đánh bản quyền là một sự vô lý.
Nhiều khán giả khác cho rằng dù bất kỳ lý do gì đi chăng nữa thì việc ngắt tiếng phần hát “Quốc ca” của các cầu thủ trong trận bóng đá này là không thể chấp nhận được bởi “Quốc ca” là hồn cốt của dân tộc, không thể vì lý do cá nhân “đánh gậy” bản quyền mà xâm phạm vào tác phẩm âm nhạc đã nằm lòng trong trái tim nhân dân Việt Nam.
Đây không phải là chuyện cũ về vấn đề bản quyền của “Quốc ca”. Mới đây, họa sĩ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao gần đây đã lên án việc một đơn vị xác nhận sở hữu bản quyền ca khúc “Tiến Quân ca – Quốc ca” do nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc.
Theo báo Quân Đội Nhân Dân, họa sĩ Văn Thao cho biết: “Tự đứa con tinh thần làm nên giá trị của nó chứ không phải tác giả muốn là được. Những chuyện “lùm xùm” liên quan đến bản quyền âm nhạc đối với bài Tiến quân ca là hoàn toàn sai phạm, gia đình tôi đã trao bài hát “Tiến Quân ca” cho Tổ quốc, cho nhân dân. Bây giờ, quyền tác giả là hoàn toàn thuộc về tài sản Quốc gia, của Nhà nước”.
Trước việc tranh cãi về “Quốc ca” bị đánh bản quyền trên YouTube, trao đổi VietNamNet, BH Media – đơn vị đăng ký sở hữu bản quyền Quốc ca – đã lên tiếng.
Đơn vị này nói: “Trong trận đấu Việt Nam – Lào, không hề có bên nào “đánh bản quyền” bài Tiến quân ca mà chính đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng bài “Tiến quân ca” (Quốc ca) để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh YouTube của FPT trước đó. Việc làm này tương tự đơn vị Next Media tắt tiếng phần hát Quốc ca các video các trận đấu của các quốc gia khác trên kênh của mình để tránh việc bị xác nhận bản quyền âm nhạc”.
BH Media cũng cho biết trong trận vòng loại thứ 3 của World Cup 2022 giữa đội tuyển Việt Nam và Ả Rập Xê Út đăng tải trên kênh YouTube FPT Bóng Đá Việt đã bị đơn vị Naxos Digital Services US thay mặt cho hãng đĩa Marco Polo thông báo xác nhận sở hữu bản quyền bản ghi bài “Quốc ca”. Lý do là BTC sân đã chọn bản ghi “Quốc ca” của hãng đĩa Marco Polo
Theo Bun Hường
Nguồn:https://sieu.link/7LSGHZ6ZfP